Bữa cơm quê, ít cá thịt, vẫn đọng lại dư vị ngọt ngào. Cái ngon ấy, có thể là cái ngon của một món ăn lạ miệng, nhưng còn là sự gói gắm tình mẫu tử thiêng liêng.
Ngày ấy, gạo châu củi quế, ăn còn chưa đủ no lấy gì mà ăn cho ngon. Quanh đi quẩn lại vẫn là cơm sắn, mắm muối tương cà, rau quanh vườn, có gì ăn nấy. Năm ba bữa, bòn mót quanh vườn, khi thì buồng chuối, khi thì thúng khoai mẹ mới ra chợ một lần. Với đồng tiền ít ỏi, vậy mà trưa về, bao giờ mẹ cũng chế biến thành những món ngon mà anh em tôi ăn rồi cứ tấm tắc. Trong các món ăn dân dã ấy, ghẹ nấu mồng tơi không cần cầu kỳ nhưng ngon đáo để.
Đâu cần nhiều, mà đâu có tiền để mua nhiều, chỉ cần vài ba con ghẹ mắc lưới giã của bà hàng rỗi lộn trong mớ cá tạp nham đánh bắt gần bờ. Nhưng phải là những con ghẹ xanh, nhỏ thôi, chỉ bằng bàn tay con nít và tươi roi rói. Đem đến chợ vẫn còn ngo ngoe những chiếc chân ánh màu xanh tím.
Ghẹ đem về rửa sạch, lột mai và rửa lại thật kỹ, để cho ráo nước. Chiếc cối đá được rửa sạch, lau khô rồi bỏ từng con ghẹ vào giã cho thật kỹ. Đổ vào một ít nước rồi lọc qua chiếc rổ dày. Làm đi làm lại mấy vòng, trong rổ chỉ còn lại xác. Bao nhiêu hồn cốt của ghẹ đã lẫn vào trong xoong nước sánh lại một màu vàng non, bắt mắt.
Nồi nước ấy được bắt lên, cho vào một dúm muối, một ít bột nêm, tí tiêu và ít dầu ăn và đun thật kỹ. Đợi sôi vài dạo, từng miếng váng ghẹ đóng lại, nổi lên trên màu vàng nhạt, tỏa mùi thơm nức. Chạy ra vườn, ngắt một rổ mồng tơi, rửa sạch và cắt thành đoạn. Đợi nồi nước ghẹ sôi đều, bỏ mồng tơi vào và tranh thủ nhấc xuống.
Canh mồng tơi nấu ghẹ phải ăn thật nóng mới cảm nhận hết cái ngon ngọt vốn có. Múc từ xoong ra chén một ít canh, khói vẫn tỏa ra nghi ngút. Húp một tí nước canh, kèm theo một dúm mồng tơi lẫn với váng ghẹ. Chút ngọt thanh của nước canh lẫn với cái béo bùi của váng trong cái mềm mát của lá mồng tơi ngấm mùi thơm của ghẹ.
Viết đến những dòng này, cái ngọt mát của tô canh như còn vương nơi đầu lưỡi cùng với bóng mẹ hiền tần tảo ngày nào như vẫn ở đâu đây.
EmoticonEmoticon