Quê tôi mùa ruốc về !

Thứ Hai, tháng 4 13, 2015

Năm nào cũng vậy, cứ độ tháng tư là người dân Vĩnh Long quê tôi chuẩn bị ra sông để kéo ruốc.

mùa ruốc Vĩnh Long
Phơi ruốc
Mùa này nắng nóng, ruốc sẽ vào mé sông Tiền, Sông Măng để trú ngụ, tránh nắng, các ngư dân quê tôi có dịp trổ tài kéo ruốc vào bờ; nhiều thì để bán, ít thì dùng để làm mắm, gói bánh tráng để ăn. Ruốc rộ mùa là tầm tháng năm, tháng sáu nhưng cứ đến tháng tư nhà nhà lại chuẩn bị xuồng con, lưới sẵn sàng để đón ruốc về.
Con ruốc tùy theo vùng miền sẽ có nhiều cách gọi khác nhau, người Hà Tĩnh gọi là “moi”, người miền Trung gọi là “khuyết”; đối với người miền Tây, vì ruốc có đặc điểm gần giống với tôm nên có nơi còn thường gọi ruốc là “tép” nhỏ. 
Ngày trước, giá ruốc “rẻ như bèo” nên các ngư dân thường không đánh bắt, thành thử ruốc nhiều vô số, đôi khi trải đáy “dính” ruốc, các chủ đáy thường tức lắm vì họ chỉ mong tôm cá, con ruốc bé xíu cứ túa vào làm nặng lưới thêm. Nhưng giờ đây, cũng như tôm cá, ruốc quí vô cùng, mắm ruốc có thể dùng làm hàng xuất khẩu tới các thị trường trên thế giới, rất được ưa chuộng.

Thường buổi trưa nước lớn, ruốc trôi lềnh bềnh thành vùng trên mặt sông, cũng là lúc mọi nguời gọi nhau í ới : “Ruốc về rồi!”. Chỉ chờ có vậy, người người, nhà nhà ở làng tôi hò nhau mang tay lưới ra sông, kéo ruốc. Điều đặc biệt là ruốc chỉ tụ tập trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng tản đi, mấy ngày sau mới quay lại, nên để kéo được ruốc, phải chớp thời cơ.
mùa ruốc Vĩnh Long
Ruốc xào thường ăn kèm với rau sống
Dân quê kéo được ruốc về, phơi khô làm mắm hoặc có thể luộc ruốc rồi gói bánh tráng để ăn. Món này không cần dùng nước chấm vì ruốc đã mang nặng vị mặn mòi của biển nên rất vừa ăn. Nhớ những buổi chiều quê, có cuốn bánh tráng ruốc bên bữa cơm nghèo mà sao ngon lành thế, ruốc quê hương mang vị ngọt thanh tao, không cao sang quí phái nhưng vẫn để lại trong lòng người thưởng thức dư vị ngọt lành đặc biệt, không thể nào quên.

Nhà tôi nằm sát mé sông Tiền nên đến mùa ruốc thì anh em tôi lại theo ba ra sông kéo ruốc. Những ngày này, má tôi không cần phải đi chợ để mua thức ăn, mà chế biến ruốc thành nhiều món để anh em tôi dùng. Má tôi làm mắm ruốc rất ngon, người quanh làng thường đến nhà tôi để nhờ má tôi “truyền nghề”.

Theo lời má, làm mắm ruốc cũng “hên xui” nhưng đối với má thì luôn may mắn, keo mắm nào cũng ngon ngất, ăn hoài không chán bởi mùi vị ngọt lành của con ruốc quê không thể trộn lẫn vào đâu.

Ruốc tươi có thể chế biến thành nhiều món, trong đó có món xào sả ớt dùng để ăn lâu ngày mà không hư mốc.

Nhớ lại năm ấy mất mùa, má tôi gói ruốc xào bỏ bọc ni lông để cho tôi mang đi lên thành phố trọ học. Ruốc xào tuy nhỏ nhưng nêm canh ngọt hơn cả tép nên nó trở thành món “nằm bàn” của tôi thời còn ngồi ghế giảng đường. Món ruốc quê dung dị nhưng đã nuôi lớn anh em tôi, giờ nhớ lại mà thấy thương quê, thương má, thương con ruốc quê nhỏ bé, nghĩa tình…

Mùa ruốc sắp về, người dân quê tôi lại chuẩn bị kéo ruốc, đâu đó tiếng cười nói í ới gọi nhau, chuẩn bị dụng cụ để sẵn sàng đón ruốc: “Ruốc lại sắp về nữa đó, bà con ơi!”. 
Quê tôi mùa ruốc về ! Quê tôi mùa ruốc về !
910 1

Bài viết Quê tôi mùa ruốc về !

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »